CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH KẾ TOÁN

1. Tên ngành đào tạo: Kế toán (Accounting)

2. Mã ngành: 52.34.03.01

3. Trình độ đào tạo: Đại học (Cấp bằng: Cử nhân)

4. Chuẩn đầu ra:

4.1. Chuẩn về kiến thức

Tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Kế toán sinh viên có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc trong lĩnh vực kế toán; tích lũy được kiến thức chuyên sâu để có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến ngành nghề; và có các kiến thức cụ thể theo các nhóm sau:

4.1.1. Khối kiến thức chung

- An ninh quốc phòng: Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng, có tinh thần sẵn sàng phục vụ trong lực lượng vũ trang để bảo vệ Tổ quốc.

- Chính trị: Có hiểu biết về các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Có các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực chính trị theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Khoa học cơ bản: Có kiến thức cơ bản về toán, tin học, pháp luật; có khả năng vận dụng chúng vào việc tiếp cận khai thác các thông tin.

- Hiểu và vận dụng được những kiến thức khoa học cơ bản về thể dục thể thao vào quá trình tập luyện, tự rèn luyện để củng cố và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân và cộng đồng.

4.1.2. Khối kiến thức chung theo lĩnh vực

- Nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế học và vận dụng vào điều kiện Việt Nam

- Nắm vững kiến thức về thống kê và vận dụng thống kê trong các doanh nghiệp, cách xử lý và sử dụng các kết quả thống kê để dự đoán mức độ hiện tượng trong tương lai.

- Nắm vững kiến thức về hệ thống tài chính qua chức năng và cấu trúc của hệ thống tài chính, vốn, nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.

- Nắm vững kiến thức trong công tác thẩm định giá và đánh giá giá trị của doanh nghiệp.

- Nắm được cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chức năng nhiệm vụ ngành nghề của doanh nghiệp, các cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

4.1.3. Khối kiến thức chung của khối

- Nắm vững kiến thức đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế.

- Nắm vững và sử dụng các phương tiện, các phương thức thanh toán trong thanh toán quốc tế.

- Nắm vững kiến thức về quản trị nói chung và quản trị sản xuất, quản trị marketing, quản trị nhân lực, quản trị tài chính.

- Nắm vững kiến thức nền tảng về marketing và vận dụng chúng vào doanh nghiệp như hệ thống thông tin và nghiên cứu marketing, môi trường marketing, chiến lược và chính sách marketing.

- Nắm vững kiến thức cơ bản về các nghiệp vụ của ngân hàng, thị trường chứng khoán, công ty cổ phần, phát hành chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán.

- Hiểu, nắm bắt được các phương pháp và nội dung phân tích kinh tế, phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp.

- Có kiến thức cơ bản về nguyên lý kế toán, bản chất, đối tượng, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán.

4.1.4. Khối kiến thức chung của nhóm ngành

- Nắm vững kiến thức về kế toán tài chính trong các doanh nghiệp, kế toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán.

- Nắm vững kiến thức về kế toán quản trị.

- Nắm vững kiến thức về thuế, kế toán thuế, lập báo cáo thuế và quyết toán thuế.

- Nắm vững kiến thức về kiểm toán, kiểm toán báo cáo tài chính, thực hành và kiểm toán các chu trình cơ bản.

- Sử dụng các phần mềm kế toán để thực hiện công tác kế toán.

- Tổ chức và thực hành công tác kế toán trong doanh nghiệp.

4.1.5. Khối kiến thức liên quan trực tiếp và mang tính đặc thù của ngành học như kiến thức chuyên ngành và bổ trợ bao gồm cả kiến thức thực tập và tốt nghiệp.

- Hiểu biết về kế toán quốc tế, kế toán trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, thương mại, dịch vụ, ngân hàng.

- Nắm vững nội dung kế toán ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Có kiến thức để lập, đọc, phân tích các báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp.

- Nắm vững kiến thức lý thuyết và thực tiễn để thực hiện công tác kế toán, kiểm toán và phân tích hoạt động sản kinh doanh trong các doanh nghiệp, hoạch định các chính sách kế toán, kiểm toán ở các doanh nghiệp, tổ chức.

4.2. Chuẩn về kỹ năng

4.2. 1. Kỹ năng nghề nghiệp

- Nắm và vận dụng các phương pháp kế toán, vận dụng đúng chế độ kế toán tài chính để kế toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm và trình độ quản lý tài chính, phù hợp với nguyên tắc và các chuẩn mực kế toán.

- Thực hiện kế toán trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, thương mại, dịch vụ; kế toán ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Vận dụng kiến thức tin học để thực hiện công tác kế toán trên máy tính; thực hiện việc ghi sổ kế toán, tổ chức bộ máy kế toán của doanh nghiệp.

- Thực hiện kiểm toán tài chính, xây dựng kế hoạch kiểm toán tài chính trong doanh nghiệp; thực hiện kiểm toán các chu trình bán hàng, thu tiền, chu trình hàng tồn kho, chu trình mua vào và thanh toán…

- Có kỹ năng lập, đọc, phân tích các báo cáo tài chính, hoạt động tài chính của doanh nghiệp để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp; có kiến thức và phương pháp phân tích kinh tế để phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Xây dựng các phương pháp tính giá, phương pháp lập dự toán, kiểm soát chi phí, phân tích chi phí trong mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận để có các thông tin thích hợp cho việc ra quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh.

4.2.2. Kỹ năng mềm

-  Kỹ năng tự chủ:

+ Nắm vững và thực hiện được kỹ năng tự chủ trong các hoạt động chuyên môn;

+ Thực hiện được kỹ năng thích ứng với sự phức tạp của hoàn cảnh thực tế;

+ Có kỹ năng quản lý thời gian đáp ứng công việc.

-  Kỹ năng làm việc theo nhóm:

+ Có kỹ năng tổ chức hoạt động nhóm làm việc;

+ Có kỹ năng hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp;

+ Chấp nhận sự khác biệt vì mục tiêu chung.

 - Kỹ năng quản lý và lãnh đạo:

+ Có kỹ năng ra quyết định;

+ Có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra công việc.

- Kỹ năng giao tiếp:

+ Lựa chọn và sử dụng các hình thức giao tiếp hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nội dung, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp;

+ Giao tiếp thành thục bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tạo lập được các văn bản phổ thông;

+ Trang bị cho sinh viên những kỹ năng trình bày, giải thích những giải pháp phức tạp, giải pháp thay thế,... thông qua các báo cáo kỹ thuật theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp (đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, hoặc các báo cáo thuyết trình chuyên môn , các đề tài nghiên cứu khoa học).

+ Có kỹ năng giao tiếp với các đối tượng giao tiếp khác nhau và các bối cảnh văn hóa – xã hội khác nhau.

- Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ: Có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các kỹ năng mềm khác.

+ Có năng lực tư duy, diễn đạt được chính xác, trình bày được mạch lạc các vấn đề chuyên môn;

+ Có kỹ năng tin học cơ sở, sử dụng các phần mềm chuyên ngành và khai thác hiệu quả Internet phục vụ công tác của mình;

+ Biết cách tra cứu, tìm kiếm tư liệu trên mạng và bước đầu biết áp dụng tin học và công tác lưu trữ và xử lý thông tin liên quan đến công việc chuyên môn của mình.

 4.3. Chuẩn về phẩm chất đạo đức

4.3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân:

+ Có lý tưởng, hoài bão, phấn đấu học tập, rèn luyện để phục vụ tổ quốc;

+ Có ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; sống nhân văn và hướng thiện.

+ Hiểu biết các vấn đề đương đại và có ý thức học tập suốt đời.

4.3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp:

+ Làm việc chuyên nghiệp, độc lập, sáng tạo.

+ Có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.

4.3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội

+ Tuân thủ pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;

+ Hiểu biết bản sắc dân tộc, hiểu biết về an ninh quốc phòng.

5. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp;

- Đảm nhận công việc kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính kế toán.

- Tư vấn trong lĩnh vực tài chính, kế toán cho các đơn vị có yêu cầu.

- Làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về kế toán.

6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường;

Có khả năng học bằng 2 đào tạo đại học các ngành gần như ngành Quản trị kinh doanh, ngành Kế toán kiểm toán, ngành Kinh tế xây dựng công trình giao thông…

Có khả năng học tập tiếp tục ở trình độ cao hơn sau khi ra trường.

7. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo.

Tham khảo chương trình đào tạo đại học của các trường đại học có uy tín trên thế giới như: Đại học tổng hợp Melboure (Úc), Đại học Huddersfield (Anh), Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc).

Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS)

Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS và ISRF)