CHUẨN ĐẦU RA

NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

 

(Ban hành kèm theo quyết định số....../QĐ-ĐHGTVT ngày ....../ ....../2016 của Hiệu trưởng trường Đại học GTVT)

 

1. Tên ngành đào tạo:        Quản Trị Kinh Doanh (Business Administration)

2. Mã ngành:                        52.34.01.01

3. Trình độ đào tạo:            Đại học (cấp bằng: cử nhân)

4. Chuẩn đầu ra:

4.1. Chuẩn về kiến thức

Chuẩn về kiến thức bao gồm chuẩn đầu ra cho các khối kiến thức như sau:

4.1.1. Khối kiến thức chung

Vận dụng được các kiến thức về nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có được nhận thức và hành động đúng trong cuộc sống, học tập và lao động nghề nghiệp giáo dục.

Đánh giá và phân tích được các vấn đề an ninh, quốc phòng và có ý thức hành động phù hợp để bảo vệ Tổ quốc.

Cập nhật được các thành tựu mới của công nghệ thông tin trong nghề nghiệp, sử dụng được các công nghệ và các thiết bị hiện đại trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác chuyên môn;

Ứng dụng các công thức về toán và khoa học cơ bản vào phân tích kinh doanh;

Đạt trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Hiểu và vận dụng được những kiến thức khoa học cơ bản về thể dục thể thao và quá trình tập luyện, tự rèn luyện để củng cố và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân và cộng đồng.

4.1.2. Khối kiến thức chung theo lĩnh vực

Nắm vững kiến thức cơ sở phục vụ cho học tập các kiến thức chung hoạt động quản trị  kinh doanh của doanh nghiệp nói chung một cách khoa học và hệ thống.

4.1.3. Khối kiến thức chung của khối ngành

Sau khi được cung cấp các kiến thức cơ sở, sinh viên được học các môn đi sâu hơn vào theo từng khối ngành quản trị kinh doanh theo đối tượng nghiên cứu.

4.1.4. Khối kiến thức chung của nhóm ngành

Nắm vững kiến thức dành cho nhóm ngành hẹp hơn và được thực tập nghiệp vụ tại các doanh nghiệp và cơ quan quản lý doanh nghiệp.

4.1.5. Khối kiến thức liên quan trực tiếp và mang tính đặc thù của ngành học như kiến thức chuyên ngành và bổ trợ bao gồm cả kiến thức thực tập và tốt nghiệp

Các kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh:

- Lập và thẩm định dự án đầu tư trong kinh doanh;

- Kỹ năng khởi nghiệp và lập kế hoạch kinh doanh;

- Khảo sát, phân tích đánh giá định tính và định lượng chất lượng nguồn nhân lực;

- Xây dựng và phân tích các báo cáo tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và chức năng thực hiện về: Nhân sự, tiền

   lương, lao động.

4.2. Chuẩn về kỹ năng

4.2.1. Kỹ năng nghề nghiệp

Có kỹ năng lập luận nghề nghiệp, phát hiện và giải quyết vấn đề. Các kỹ năng như khởi nghiệp và tổ chức quản lý doanh nghiệp, lập kế hoạch, tổ chức sắp xếp công việc, đặt mục tiêu, tạo động lực.

Có khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề (phát hiện, hình thành, tổng quát hóa, đánh giá, phân tích, giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp kiến nghị);

Có khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức (khả năng cập nhật kiến thức, tổng hợp tài liệu, phân tích và phản biện kiến thức hiện tại, nghiên cứu để phát triển hay bổ sung kiến thức);

Có kỹ năng tư duy một cách hệ thống (khả năng phân tích vấn đề theo logic có so sánh dưới nhiều góc độ trong môi trường kinh doanh biến động);

Có khả năng nhận biết và phân tích môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh hội nhập kinh tế quốc tế đầy biến động.

Có kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn (khả năng vận dụng linh hoạt và phù hợp kiến thức, kỹ năng được đào tạo với thực tiễn quản trị doanh nghiệp, khả năng làm chủ tri thức quản trị doanh nghiệp, khả năng phát hiện và giải quyết hợp lý vấn đề trong quản trị doanh nghiệp).

Có năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt thay đổi trong hoạt động quản trị (có khả năng nghiên cứu cải tiến hoặc sáng tạo trong hoạt động quản trị hoặc dẫn dắt các sự thay đổi đó, cập nhập và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề và khả năng làm chủ tri thức quản trị).

4.2.2. Kỹ năng mềm

- Các kỹ năng cá nhân

+ Nắm vững và thực hiện được kỹ năng tự chủ trong các hoạt động chuyên môn;

+ Thực hiện được kỹ năng thích ứng với sự phức tạp của hoàn cảnh thực tế;

+ Có kỹ năng quản lí thời gian đáp ứng công việc;

- Kỹ năng làm việc theo nhóm

+ Có kỹ năng tổ chức nhóm làm việc;

+ Có kỹ năng hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp;

+ Chấp nhận sự khác biệt vì mục tiêu chung.

- Kỹ năng quản lý và lãnh đạo

+ Có kỹ năng ra quyết định; kỹ năng giải quyết xung đột; kỹ năng đàm phán

+ Có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát thực hiện công việc.

-  Kỹ năng giao tiếp

Lựa chọn và sử dụng các hình thức giao tiếp hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nội dung, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp trong môi trường quốc tế;

Giao tiếp thành thục bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tạo lập được các văn bản mức cơ bản;

Trang bị cho sinh viên những kỹ năng trình bày, giải thích những giải pháp phức tạp, giải pháp thay thế,... thông qua các báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy chuẩn pháp luật hiện hành trong nước và thông lệ quốc tế (đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, hoặc các báo cáo thuyết trình chuyên môn, các đề tài nghiên cứu khoa học).

-  Kỹ năng ngoại ngữ

Có kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành ở mức có thể và nghe, nói, đọc hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn;

Đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3 theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

4.3. Chuẩn về phẩm chất đạo đức

4.3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân

Sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, chấp nhận rủi ro, kiên trì nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Độc lập trong suy nghĩ, mạnh dạn trong hành động và luôn tìm tòi, sáng tạo và trung thực trong học tập và nghiên cứu cũng như làm việc sau khi ra trường.

Có tư duy phản biện luôn được khuyến khích trong tiếp cận và xử lý các vấn đề để nắm bắt chủ động, toàn diện và khách quan các kiến thức.

4.3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp

Có tác phong chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc các quy định. Đồng thời phải tôn trọng, lắng nghe các ý kiến của các đồng nghiệp, cấp trên. Tuy nhiên cần luôn chủ động, sáng tạo trong cách làm, cách nghĩ để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị.

4.3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội

Tôn trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước và các chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống cũng như trong hoạt động kinh doanh. Có bản lĩnh đấu tranh những vấn đề vi phạm pháp luật và vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống và kinh doanh.

5. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp

            Sinh viên ra trường có đủ kiến thức chuyên môn, các kỹ năng cơ bản và kỹ năng mềm để làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp kinh doanh thuộc các hình thức pháp lý và sở hữu trong và ngoài nước.

            Sinh viên cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước như sở Giao thông vận tải, các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Giao thông vận tải... Ngoài ra, sinh viên có thể khởi nghiệp kinh doanh.

6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

            Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sau khi ra trường có nhiều cơ hội để tiếp tục theo học các chương trình đào tạo trong và ngoài nước để đạt được các trình độ (học vị) cao hơn:

            Đối với các chương trình nước ngoài: Cử nhân có thể học các ngành có liên quan tới Quản trị kinh doanh, Logistics, phát triển bền vừng... tại các trường thuộc tại các quốc gia phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Đức... để nhận học vị Thạc Sỹ, Tiến Sỹ.

            Đối với các chương trình trong nước: Cử nhân của ngành hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia các khóa học cao hơn ở các Trường đại học uy tín trong nước như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại... cho các ngành về: Quản trị kinh doanh, Thương mại, Giao nhận, Vận tải, Logistics... Đặc biệt, Bộ môn Quản trị kinh doanh thuộc Khoa Vận tải Kinh tế là bộ môn phụ trách đào tạo thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Giao thông vận tải nên cử nhân ngành Quản trị kinh doanh có thể học lên cao học ngay sau khi ra trường.

7. Các chương trình, tài liệu, tiêu chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo

            Tham khảo chương trình đào tạo của của các trường đại học có uy tín về Quản trị kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực giao thông vận tải trong và ngoài nước như: Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng; Đại học Hàng Hải, Đại học Kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội...

            Sử dụng tài liệu chuẩn mực quốc tế về tổ chức quản trị doanh nghiệp nói chung và quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng.

            Các báo cáo chính thống của các tổ chức uy tín trên thế giới về lĩnh vực Quản trị kinh doanh như: WB, IMF, ADB, Liên Hợp Quốc...