LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

KHOA VẬN TẢI KINH TẾ

50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

            Năm 1960, trước đòi hỏi của thực tế về kỹ sư Khai thác vận tải, Ban xây dựng Trường Đại học giao thông vận tải đã cử thầy Bùi Đình Thiệp, Phạm Lưu Phương, Nguyễn Thụy Anh sang khoa Thống – Kế - Vận (Trường Đại học Kinh tế kế hoạch) xây dựng ngành đào tạo về Vận tải và đã chiêu sinh 58 sinh viên vào học lớp vận tải. Lớp học này sau khi về trường Đại học GTVT được tách ra làm 2 lớp: Lớp vận tải ô tô gồm 25 sinh viên và lớp Vận tải thủy bộ gồm 33 sinh viên. Đây là những lớp đầu tiên ngành vận tải của Khoa và là khóa I của trường Đại học giao thông vận tải.

            Năm 1961, Nhà trường tiếp tục tuyển sinh các lớp ngành Vận tải ô tô, Vận tải sông, Vận tải biển và Kinh tế vận tải sắt với tổng số học sinh khoảng 150 người. Năm 1962 các lớp học Vận tải và Kinh tế vận tải đầu tiên được hình thành ở Trường Kinh tế kế hoạch đã chuyển về Trường Đại học giao thông vận tải và nhà trường tiếp tục chiêu sinh khóa III với 4 lớp của ngành Vận tải biển, Vận tải sông, Vận tải ô tô và Kinh tế sắt.

            Một yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải có một khoa phụ trách các ngành đào tạo về Vận tải và đến đầu năm 1963 Khoa Vận tải được thành lập. Thầy Bùi Đình Thiệp là người được Nhà trường cử phụ trách Khoa.

            Năm 1963 đã đi vào lịch sử - Trường Đại học giao thông vận tải có một khoa đầu tiên và duy nhất của nước ta chuyên đào tạo về lĩnh vực vận tải.

            Để phát triển các ngành đào tạo, ngày 24 tháng 6 năm 1963 Nhà trường đã thành lập 3 Bộ môn trực thuộc Khoa Vận tải, đó là: Tổ vận tải đường sắt gồm 11 thầy giáo và thầy Phạm Đắc Bảo là tổ trưởng); tổ vận tải ô tô gồm 4 thầy giáo, Thầy Phạm Lưu Phương - Tổ trưởng; tổ vận tải thủy gồm 8 thầy cô, thầy Trần Dự - Tổ trưởng. Đây là những bộ môn đầu tiên chính thức được thành lập và là tiền thân của những Bộ môn sau này.

Vào năm 1963 toàn khoa có: 2 lớp khóa I, 4 lớp khóa II, 4 lớp khóa III và khóa IV với số lượng học sinh toàn khoa gồm 500 người. Đây là những lớp trong những năm đầu thành lập Khoa Vận tải – Kinh tế.

Trong những năm đầu thành lập, việc xây dựng nội dung chương trình còn nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn ban đầu này, năm 1964 Đảng và chính phủ Liên Xô đã cử đoàn chuyên gia gồm các thầy Revenko, Branikov, Yumin và cô giáo Tamara,... sang giúp đỡ Khoa đào tạo ngành Vận tải và Kinh tế vận tải. Các thầy giáo, cô giáo Liên Xô cùng các thầy, cô giáo Việt Nam đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển khoa học ngành Vận tải và Kinh tế vận tải sau này.

Bên cạnh việc phát triển các ngành học đã có, trước đòi hỏi của cách mạng Việt Nam, các Lớp quản lý vận tải (8 và 18 tháng) đã được Khoa tổ chức và đào tạo.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về chương trình đào tạo, về tài liệu giảng dạy, về lực lượng giáo viên nhưng Khoa Vận tải trong giai đọan này đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư của các ngành Vận tải, Kinh tế vận tải; bồi dưỡng hàng chục cán bộ quản lý và đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Năm 1964, đứng trước nhu cầu của thực tế đòi hỏi, Nhà trường mở ngành Kinh tế xây dựng. Thầy Bùi Chởi được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế xây dựng và lớp Kinh tế xây dựng đầu tiên được đào tạo thuộc khóa 6.

Vào năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, thực hiện chủ trương “Tay bút, tay súng”, với lời kêu gọi của Bác Hồ: “ Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt ” thầy trò trường Đại học giao thông vận tải, trong đó có Khoa Vận tải, đã sơ tán lên Mai Sưu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Với muôn vàn khó khăn, thầy trò tự dựng nhà ở, lớp học, ghép cây làm bàn ghế, đào hào để tiếp tục giảng dạy và học tập.

Nhớ lại những năm tháng này, những ngày đi hàng chục cây số để lấy lương thực, với bát ngô luộc, với nắm mỳ luộc, ngọn đèn dầu nhưng thầy vẫn nhiệt tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trò vẫn say sưa học tập. Giữa chiến tranh, tiếng hát vẫn vang lên trong núi rừng từ Hội diễn văn nghệ. Ngày hôm nay, những bài hát đó vẫn gợi lại những tháng gian lao mà rất tự hào.

Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo giao thông, thầy và trò những lớp cuối khóa IV, V, VI, VII của Khoa chuyển về gần các cơ sở sản xuất để vừa học vừa phục vụ vận tải. Các lớp Vận tải ô tô về Thanh Oai (Hà Tây cũ) và sau đó chuyển về làng Huỳnh Cung, Tam Hiệp Thanh Trì, Hà Nội. Các lớp Vận tải sắt lên Kép, rồi sau đó về Phù Đổng, Trùng Quán, để học tập. Các lớp về ngành thủy về Thị Cầu, Bắc Giang.

Trong đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, sự nghiệp đào tạo vẫn phát triển, chất lượng đào tạo vẫn giữ vững. Ngoài giảng dạy và học tập, thầy và trò đã tham gia tích cực nghiên cứu khoa học và trực tiếp tham gia đảm bảo giao thông. Đây là một đóng góp trực tiếp của thầy và trò Khoa Vận tải vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1966 ngành Kỹ thuật vật tư được mở ra, khóa VIII là khóa đầu tiên của ngành này và đến năm 1969 Bộ môn Kỹ thuật vật tư được thành lập. Cũng trong thời gian này nhóm giáo viên Kinh tế xây dựng được thành lập nhưng trực thuộc Bộ môn đường thuộc Khoa Công trình.

Năm 1968, các ngành đào tạo về đường thủy được tách ra khỏi trường để thành lập một trường riêng (về Tứ Kỳ, Hải Dương) và Khoa cũng không còn các ngành về Vận tải và Kinh tế thủy.

Năm 1969 toàn khoa chuyển về Cầu Giấy – Hà Nội học tập, khi đó Khoa có các ngành đào tạo sau: Vận tải sắt, Kinh tế vận tải sắt, Vận tải ô tô, Kinh tế vận tải ô tô, Kỹ thuật vật tư. Để phù hợp với các ngành đào tạo trên, Khoa Vận tải được đổi tên thành Khoa Vận tải và Kinh tế.

Năm 1971 Bộ môn Kinh tế xây dựng được thành lập và thầy Nghiêm Văn Dĩnh là Tổ trưởng đầu tiên.

Năm 1972 khi chiến tranh Mỹ lại leo thang ra miền Bắc, các lớp lại đi sơ tán tại Văn Giang – Hưng Yên. Cũng như những năm trên núi rừng Hà Bắc dưới bom đạn ác liệt hơn nhưng sự nghiệp đào tạo vẫn được giữ vững và phát triển.

Năm 1973 tòan thể giáo viên và sinh viên của Khoa Vận tải và Kinh tế cùng với Nhà trường chuyển về Cầu Giấy – Hà Nội.

Ngày 15/9/1979 Bộ môn Cơ sở kinh tế và Khoa học quản lý được thành lập và thầy Lê Sỹ Tác là tổ trưởng đầu tiên của Bộ môn.

Từ những năm 1988 cho đến nay, trước đòi hỏi của cơ chế kinh tế mới và trước yêu cầu cải cách giáo dục, các ngành học của Khoa được xây dựng theo hướng đào tạo theo diện rộng và đồng thời mở thêm các ngành mới. Các ngành và chuyên ngành đào tạo mới được mở ra gồm:

- Ngành quản trị kinh doanh với các chuyên ngành Quản trị kinh doanh giao thông vận tải, Quản trị kinh doanh doanh nghiệp vận tải, Quản trị kinh doanh doanh nghiệp xây dựng, Quản trị kinh doanh Bưu chính – Viễn thông;

- Ngành Kinh tế với chuyên ngành Kinh tế Bưu chính – Viễn thông;

- Ngành Kế tóan với chuyên ngành Kế tóan tổng hợp;

- Các chuyên ngành mới thuộc ngành Kinh tế vận tải gồm: Kinh tế vận tải và du lịch, Kinh tế vận tải hàng không, Kinh tế vận tải thủy bộ;

- Các chuyên ngành mới của ngành Khai thác vận tải gồm: Điều khiển các quá trình vận tải, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Tổ chức và khai thác cảng hàng không, Vận tải đa phương thức, Vận tải kinh tế đường bộ và thành phố, Vận tải và kinh tế sắt;

- Chuyên ngành mới thuộc ngành Kinh tế xây dựng: Kinh tế và quản lý khai thác cầu đường.

 Để quản lý các ngành học mới các bộ môn mới đã ra đời, cụ thể:

-    Bộ môn Kinh tế vận tải thành lập năm 1991.

-          Bộ môn Quản trị kinh doanh thành lập năm 1996.

-          Bộ môn Kinh tế Bưu chính – Viễn thông thành lập năm 2001.

Trải qua một quá trình phát triển, đến nay Khoa đã có 8 bộ môn phụ trách 06 ngành với 21 chuyên ngành đào tạo; số sinh viên tuyển sinh mỗi năm từ vài chục người (thời gian đầu) lên đến gần nghìn người ở giai đọan hiện nay. Đội ngũ giáo viên đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày đầu thành lập khoa chỉ có 23 giáo viên đến nay đội ngũ giáo viên là 101 người, trong đó có 02 GS.TSKH, 8 PGS.TS, 16 Tiến sĩ, 55 Thạc sĩ.

Với đội ngũ viên chức nêu trên những năm qua Khoa đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư và cử nhân. Ở thời điểm hiện tại số lượng sinh viên các hệ do Khoa quản lý là 4949, trong đó chính qui là 3474. Ngoài đào tạo đại học Khoa còn tham gia đào tạo sau đại học, ở bậc Thạc sĩ với 03 ngành: Kinh tế xây dựng, Quản trị kinh doanh, Tổ chức và quản lý vận tải, ở bậc đào tạo Tiến sĩ với 2 ngành Kinh tế xây dựng, Tổ chức và quản lý vận tải. Đến nay Khoa đã đào tạo được hàng chục Tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ. Hiện tại số lượng học viên cao học Khoa đang quản lý là 572, số nghiên cứu sinh là 47.

Ngòai ra Khoa Vận tải – Kinh tế còn đào tạo cho nước bạn Lào và Cămpuchia hàng chục kỹ sư, Thạc sĩ và 01 Tiến sĩ.

Có thể khẳng định rằng, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua một chặng đường  với muôn vàn khó khăn về nội dung chương trình đào tạo, lực lượng giáo viên, điều kiện giảng dạy và học tập,... nhưng sự nghiệp đào tạo của Khoa vẫn được giữ vững và không ngừng phát triển.

Bên cạnh với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển. Các thầy giáo, cô giáo của Khoa đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, tỉnh (thành phố). Nhiều đề tài đã có kết quả ứng dụng được thực tế đánh giá cao. Từ nghiên cứu khoa học, ngoài phục vụ yêu cầu cấp bách của thực tế, trình độ mỗi giáo viên đã được nâng lên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Hàng năm các thầy cô trong Khoa công bố hàng chục bài báo trên các tạp chí Khoa học trong và ngòai nước; tích cực biên sọan giáo trình, bài giảng phục vụ giảng dạy.

Sự lớn mạnh của Khoa Vận tải – Kinh tế gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua các thời kỳ, Liên chi Đảng Khoa (nay là Đảng ủy khoa) luôn giữ vững vai trò lãnh đạo và đã tạo ra sức mạnh chung trong bước đường phát triển của Khoa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn thanh niên và Công đoàn khoa là một trong những nhân tố tạo ra sức mạnh chung của toàn khoa trong suốt 50 năm qua. Đoàn thanh niên Khoa đã đóng góp sức mình vào các phong trào học tập và các hoạt động văn thể của Khoa. Trong phong trào Đòan nhiều đoàn viên thanh niên đã trưởng thành nhanh chóng và đã trở thành những cán bộ khoa học trình độ cao, nhà quản lý giỏi. Công đoàn khoa, đã kịp thời hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động chuyên môn và đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình nhằm chăm lo đời sống của viên chức trong khoa, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đào  tạo.

Lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển Khoa Vận tải – Kinh tế, kể cả trước đây cũng như trong hiện nay, có thể rút ra một số bài học quan trọng sau:

- Vào những lúc cam go nhất, vai trò lãnh đạo của Đảng lại được khẳng định để đưa sự nghiệp đến thành công.

- Sự gắn bó chặt chẽ giữa Nhà trường với các đơn vị sản xuất là một yếu tố quan trọng đối với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Sự trưởng thành của Khoa Vận tải – Kinh tế không tách rời sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Nhà trường, Ban giám hiệu, sự giúp đỡ về mọi mặt của các đơn vị trong và ngoài ngành.

50 năm, trải qua nhiều khó khăn gian khổ với những thăng trầm Khoa Vận tải – Kinh tế đã không ngừng lớn mạnh. Với những thành tích đạt được, Khoa Vận tải – Kinh tế đã vinh sự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quí khác. Tự hào với những thành tích đạt được, Khoa Vận tải – Kinh tế quyết tâm khắc phục khó khăn, vươn lên trong mọi lĩnh vực để có thể bước tiếp vào giai đọan mới với sức mạnh và niềm tin  thắng lợi.

Logo khoa Vận Tải - Kinh Tế